Hội thảo khoa học “Những vấn đề đương đại trong trọng tài quốc tế”

Nhằm làm sáng tỏ những vấn đề mới được đặt ra trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài thương mại quốc tế, sáng ngày 23/03/2022, Khoa Luật Quốc tế Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo cấp khoa với chủ để “Những vấn đề đương đại trong trọng tài quốc tế”. Buổi hội thảo được tổ chức trực tiếp tại hội trường A.905 và trực tuyến thông qua nền tảng Zoom.

Buổi Hội thảo được chia thành hai phiên, xoay quanh hai chủ đề nghiên cứu chính xoay quanh một số vấn đề pháp lý, thực tiễn về Thẩm quyền của Trọng tài và một số vấn đề pháp lý, thực tiễn về Tố tụng Trọng tài. Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực trọng tài quốc tế: GS.TS Đỗ Văn Đại (Trường Đại học Luật TP.HCM), PGS.TS Trần Việt Dũng (Trường Đại học Luật TP.HCM), PGS.TS Hồ Thuý Ngọc (Trường Đại học Ngoại thương), TS. Lê Nguyễn Gia Thiện (Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM), TS. Cao Nhất Linh (Đại học Cần Thơ), TS.LS. Nguyễn Quốc Vinh (Công ty Luật Tilleke & Gibbins Việt Nam), LS. Nguyễn Trung Nam (Công ty Luật EPLegal Việt Nam), ThS. Trần Hoàng Tú Linh (Trường Đại học Luật TP.HCM), ThS.NCS. Nguyễn Thị Lan Hương (Trường Đại học Luật TP.HCM), ThS. Nguyễn Mai Linh (Trường Đại học Luật Hà Nội), ThS. Phạm Sơn Tùng (Công ty Luật VILAF Hồng Đức).

Luật sư Kiều Anh Vũ – Giám đốc Công ty Luật TNHH KAV Lawyers; Trọng tài viên, Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Thương mại Phía Nam tham dự Hội thảo với tư cách khách mời.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Trần Việt Dũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của phương thức giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài về cả lý luận và thực tiễn ở nước ta. PGS.TS Trần Việt Dũng chỉ ra rằng sự ra đời của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 đã thay đổi toàn bộ cục diện về vị trí của phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) tại Việt Nam. Đặc biệt, trong nhiều năm trở lại đây khi vai trò của trọng tài ngày càng trở nên phổ biến hơn với số lượng các vụ tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài đã tăng đáng kể và ổn định trong trong suốt hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, trọng tài quốc tế cũng đã có những bước phát triển trong thời gian qua, có nhiều xu thế và học thuyết mới được các quốc gia trên thế giới áp dụng để phát triển nền trọng tài quốc gia. Điều đó đặt ra yêu cầu cấp thiết cho Việt Nam phải nghiên cứu sâu về pháp luật và thực tiễn trọng tài quốc tế đương đại để từ đó có những sự thay đổi, điều chỉnh phù hợp nhằm tiếp tục phát triển trọng tài hơn nữa trong thời gian tới.

PGS.TS Trần Việt Dũng – Trưởng Khoa Luật Quốc tế phát biểu khai mạc Hội thảo

Phiên tham luận đầu tiên diễn ra dưới dự chủ trì của GS.TS Đỗ Văn Đại đã đặt ra nhiều vấn đề tham luận nổi bật về những bất cập của pháp luật nước ta trong việc giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài thương mại; đồng thời nhiều phân tích, so sánh với pháp luật nước ngoài được đưa ra nhằm tổng kết bài học kinh nghiệm, khắc phục những điểm còn sai sót, lạc hậu của pháp luật Việt Nam.

Mở đầu phiên tham luận thứ nhất, bài tham luận với đề tài “Trọng tài áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp” do ThS. Trần Hoàng Tú Linh (Trường Đại học Luật TP.HCM) trình bày thu hút được sự chú ý của các giáo sư, luật sư, chuyên gia tham dự Hội thảo. Đối với vấn đề này, ThS. Trần Hoàng Tú Linh giải thích do hệ thống pháp luật nước ta không quy định rõ về việc áp dụng lẽ công bằng trong giải quyết tranh chấp nên việc áp dụng nguyên tắc này là tương đối hạn chế. Tuy nhiên, nhìn nhận những lợi ích khi áp dụng nguyên tắc “lẽ công bằng” như tránh được sự cứng nhắc của các quy tắc pháp lý, thể hiện được sự linh hoạt và mở ra nhiều hướng để các trọng tài có được tự do hơn trong giải quyết tranh chấp, ThS. Linh cho rằng nước ta nên học hỏi pháp luật nước ngoài để có những quy định rõ hơn trong việc cho phép áp dụng lẽ công bằng để thể hiện sự tiến bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam.

Bài tham luận chủ đề “Trọng tài để áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp” của ThS. Trần Hoàng Tú Linh nhận được những đóng góp mang tính xây dựng từ GS.TS Đỗ Văn Đại

Tiếp đó, với bài tham luận “Thoả thuận trọng tài – Góc nhìn so sánh pháp luật Việt Nam với Hàn Quốc trong mối liên hệ với Luật mẫu 2006”, LS. Nguyễn Trung Nam đã xem xét quan hệ của Luật trọng tài thương mại và Đạo luật trọng tài Hàn Quốc trong mối tương quan so sánh với Luật mẫu từ đó chỉ ra các điểm hạn chế của pháp luật nước ta. LS. Nam cho rằng mô hình phát triển của Hàn Quốc rất phù hợp với Việt Nam vì rất nhiều sự tương đồng về văn hoá – xã hội, lịch sử cũng như truyền thống pháp luật. LS. Nam gợi ý 03 giải pháp cụ thể để Việt Nam được cộng đồng quốc tế coi là một nước theo luật mẫu UNCITRAL: (i) Cộng đồng trọng tài Việt Nam cần được chuẩn hoá, nâng cao kiến thức chuyên môn và tiếp cận các thực tiễn trọng tài quốc tế; (ii) Cần sửa đổi điều chỉnh một số quy định pháp luật hoặc thói quen truyền thống không còn phù hợp với pháp luật hiện đại; (iii) Tăng cường việc cho phép các Toà án xem xét và tham khảo các bản án, quyết định của các Toà án khác khi xét xử các vụ việc về trọng tài, đặc biệt là các quyết định của Toà án Nhân dân Tối cao.

LS. Nguyễn Trung Nam trình bày bài tham luận về chủ đề: “Thoả thuận trọng tài – Góc nhìn so sánh pháp luật Việt Nam với Hàn Quốc trong mối liên hệ với Luật mẫu 2006”

Sau khi các đề tài tham luận được trình bày tại phiên thứ nhất, các đại biểu, chuyên gia tham dự đã thảo luận và đưa ra những ý kiến đóng góp để làm rõ các vấn đề được các tác giả đưa ra. Bàn về việc áp dụng lẽ công bằng trong giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài, GS.TS. Đỗ Văn Đại cho biết pháp luật nước ta chưa công nhận áp dụng lẽ công bằng trong xét xử thay luật và đây cũng là một điểm cho thấy pháp luật nước ta có phần lạc hậu hơn so với hệ thống pháp luật của các quốc gia trên thế giới.

Thảo luận về vấn đề thẩm quyền giữa Tòa án và Trọng tài đối với thỏa thuận giải quyết tranh chấp vừa chọn Tòa án vừa chọn Trọng tài, Luật sư – Trọng tài viên Kiều Anh Vũ đã dẫn chứng một trường hợp cụ thể được giải quyết bởi Trung tâm Trọng tài năm 2016 và kết quả cuối cùng được giải quyết dựa trên Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP. Ngoài ra, Luật sư – Trọng tài viên Kiều Anh Vũ cũng đề cập đến việc hạn chế, bất cập trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng trọng tài khi Tòa án từ chối áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngoài những biện pháp được quy định tại Luật Trọng tài thương mại, chẳng hạn Tòa án từ chối áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản vì không được quy định trong Luật Trọng tài thương mại. Vấn đề này cũng đã thu hút sự chú ý, thảo luận của Hội thảo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo bàn luận sôi nổi về các vấn đề được đặt ra

Mở đầu phiên thứ hai là tham luận của PGS.TS Trần Việt Dũng (Trường Đại học Luật TP.HCM) bàn về học thuyết phi địa phương hoá trong thực tiễn trọng tài thương mại quốc tế. Theo PGS.TS Trần Việt Dũng, học thuyết này đề cao giá trị của quyền tự do ý chí của các bên và hướng tới sự tư dọ hoá hoạt động trọng tài thương mại quốc tế; tuy nhiên, việc áp dụng đầy đủ các quy tắc của học thuyết này trên thực tế là rất khó khả thi do các mâu thuẫn trong phán quyết của Toà án địa phương và trọng tài. TS. Nguyễn Gia Thiện (Trường ĐH Kinh tế – Luật) và TS. Nguyễn Thị Hoa (Trường ĐH Luật TP. HCM) cũng chia sẻ quan điểm cần cẩn trọng trong việc vận dụng học thuyết delocalization vì một số hậu quả có thể phát sinh; một số nước như Đức và Thuỵ Sĩ rất cứng rắn và không chấp nhận học thuyết này.

ThS.NCS Nguyễn Thị Lan Hương chủ trì phiên thứ hai của buổi Hội thảo

Với tham luận “Sử dụng nhân chứng chuyên gia trong trọng tài xây dựng quốc tế và một số gợi mở cho Việt Nam”, nhóm tác giả ThS. Nguyễn Mai Linh và sinh viên Đỗ Ngọc Linh (Trường Đại học Luật Hà Nội) nhận được sự quan tâm và thảo luận của các đại biểu tham dự Hội thảo. Điểm nổi bật trong bài nghiên cứu thể hiện qua 03 đề xuất đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực hành sử dụng nhân chứng chuyên gia trong trọng tài xây dựng quốc tế tại Việt Nam cụ thể: một là, cần có những sửa đổi phù hợp trước hết về khung pháp lý đối với quy trình thu thập chứng cứ chuyên gia; hai là, phổ cập các quy tắc quốc tế về tố tụng trọng tài; ba là cần nghiên cứu soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử của chuyên gia khi tham gia tố tụng trọng tài.

Kết thúc buổi Hội thảo, ThS.NCS. Nguyễn Thị Lan Hương cảm ơn sự quan tâm, tham gia và thảo luận sôi nổi của các vị đại biểu trong xuyên suốt thời gian diễn ra Hội thảo. Hội thảo đã gợi mở và phân tích nhiều ưu, khuyết điểm của những vấn đề được quan tâm nhất hiện nay trong phương thức giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài; từ đó đưa ra những ý kiến, quan điểm lý luận và các hướng khắc phục nhằm xây dựng và hoàn thiện nền tảng pháp lý của nước ta liên quan đến phương thức giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài thương mại.

Hội thảo nhận được sự quan tâm tham dự từ nhiều chuyên gia trong lĩnh vực trọng tài quốc tế thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến

Nội dung: BTC Hội thảo, Thu Nguyệt

Hình ảnh: Thanh Hoa, Bảo Ngọc

Ban Truyền thông Ulaw, https://www.hcmulaw.edu.vn/vi/hoat-dong-khoa-hoc-hop-tac-quoc-te/khoa-luat-quoc-te-to-chuc-hoi-thao-khoa-hoc-nhung-van-de-duong-dai-trong-trong-tai-quoc-te

Link livestream Hội thảo (facebook): https://www.facebook.com/khoaluatquocte/videos/644944083232141/

Translate »